Định vị thương hiệu địa phương

Xây dựng thương hiệu địa phương là một quá trình gian nan, lâu dài nhưng là điều cần thiết để Việt Nam đối mặt với những cuộc cạnh tranh ở quy mô địa phương - địa phương trên toàn cầu trong tương lai.

Do có quá nhiều nơi để khách hàng lựa chọn nên mỗi địa phương với những đặc điểm đặc thù và những lợi thế riêng cần được phát huy sao cho định vị trong tâm trí khách hàng có những điểm khác biệt so với địa phương khác. Việc định vị thương hiệu địa phương cần xác định đối tượng khách hàng nào phù hợp với nguồn tài nguyên và lợi thế từng nơi sao cho phục vụ khách hàng tốt nhất, đồng thời tập trung chuyên môn hóa, khác biệt hóa nhằm duy trì lòng trung thành khách hàng. Ngược lại, khi một địa phương không xác định một định vị rõ ràng những khác biệt so với địa phương khác, những lợi ích khách hàng cần hoặc sản phẩm, dịch vụ chung chung thì khó thuyết phục đối tác lựa chọn.

Trong thị trường rộng lớn, khách hàng khó khăn chọn sản phẩm, dịch vụ từ bánh kẹo, hàng điện tử, khách sạn, cà phê, bệnh viện, dịch vụ du lịch v.v…Đó là thử thách cho những ai thực hiện quản lý thương hiệu, các sở ban ngành,…và đặc biệt dành cho mỗi địa phương cố gắng thiết lập thương hiệu của riêng mình phù hợp với thị trường và khác biệt với đối thủ sao cho đảm bảo thương hiệu đáng nhớ. Thử thách càng lớn hơn khi chính quyền địa phương phải đảm bảo lời hứa thương hiệu đối với khách hàng. Để làm thương hiệu trở nên khác biệt, giải pháp chủ yếu thông qua định vị thương hiệu.

Tại sao phải định vị thương hiệu

Phát triển thương hiệu quốc gia hay một doanh nghiệp đều phải xác định vị trí trên thị trường và có tính khác biệt, giúp doanh nghiệp, du khách cũng như cộng đồng quốc tế dễ nhận biết và hiểu rõ hơn, giúp cho địa phương có định hướng và động lực tạo ra sự khác biệt trong tâm trí cộng đồng quốc tế, từ đó tạo thuận lợi thu hút đầu tư và khách du lịch trong và ngoài nước.

Lợi thế của Việt Nam là hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại; du lịch dựa trên cơ sở văn hóa và sinh thái tự nhiên (gồm cả các lĩnh vực như ẩm thực, dưỡng sinh, y học dân tộc...); du lịch dịch vụ gắn với tài nguyên biển.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam cũng đa dạng phong phú nhưng nền sản xuất còn hạn chế, tài nguyên thiên nhiên chưa được kết nối thành các tổ hợp để tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn như các nước đi trước.

Do vậy, ngay khi định hướng chiến lược phát triển thương hiệu, từng địa phương phải xác định những sản phẩm, dịch vụ ưu thế vượt trội đặc sắc nào đó.

Một khi Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, những bãi biển nổi tiếng nhưng không có quy hoạch bài bản, các dịch vụ và hạ tầng thiếu đồng bộ thì mọi thứ vẫn trở nên bình thường và không mang lại nguồn thu nhập và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương. Thực tế, từ Bắc đến Nam, hầu hết các tỉnh chưa khai thác hiệu quả nguồn lực như: Các loại đặc sản còn đơn điệu, các dịch vụ du lịch còn tẻ nhạt về đêm. Thành phố Hồ Chí Minh từng là "Hòn ngọc viễn Đông"- địa phương có nền kinh tế đi đầu cả nước với nhiều lợi thế nhưng đến nay vẫn chưa có định hướng rõ ràng: Hoạt động giải trí không có gì nổi bật; quy hoạch thành phố còn ngổn ngang; hệ thống giao thông bị ách tắc; các quận huyện vùng ven chưa được chú ý.

Nhiều nước có những nguồn tài nguyên hạn chế nhưng họ biết chọn những hướng đi đón đầu thông qua đổi mới thể chế, phát triển nhân lực để đạt được định vị vượt trội so với nhiều nước khác. Ví dụ như Dubai- là vùng sa mạc, chỉ có cát và lạc đà, cách đây 30 năm dân còn rất nghèo, nhưng nay đã thành nền kinh tế phát triển rất cao. Người dân có thể chưa văn minh được như châu Âu, nhưng khuôn khổ thể chế để nền kinh tế, xã hội vận hành thì rất hiện đại, duy trì cùng văn hóa bản địa không xung đột nhau, một chân dung Dubai không giống ai, dẫn đầu thế giới những cái nhất. Nhìn chung, các nước thành công trong việc phát triển thương hiệu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều thành công thông qua cải cách môi trường kinh doanh tiên tiến, trọng dụng nhân tài và đề cao nền giáo dục.

Ph.D  Bùi Văn Quang –Trích từ sách  Phát triển thương hiệu Quốc gia và địa phương

  MENU