Chiến lược thương hiệu địa phương

Chiến lược thương hiệu là một xâu chuỗi, một loạt những hoạt động được thiết kế nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài so với các đối thủ. Một địa phương hoặc quốc gia không có chiến lược thương hiệu ví như một người đi trên đường mà không xác định minh đi đâu, về đâu.

Trong tiến trình toàn cầu hóa, mỗi địa phương/quốc gia đều phải cạnh tranh với các địa phương/quốc gia khác nhằm thu hút khách hàng du lịch, các doanh nghiệp, vốn đầu tư. Mỗi địa phương cần phân tích môi trường thế giới và trong nước, tìm ra những cơ hội, hướng đi mới để sử dụng nguồn lực địa phương hiệu quả.

 Với chiến lược thương hiệu linh hoạt, các địa phương cần xác lập kế hoạch thực hiện phát triển thương hiệu để phát triển địa phương mình một cách toàn diện và hiệu quả nhất.

Chiến lược thương hiệu phần lớn phụ thuộc đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn và năng lực, nắm bắt xu hướng tương lai, tìm ra cơ hội, xác định hướng đi và phối hợp các nguồn lực địa phương để phát triển thương hiệu thành công.

Tại sao cần có chiến lược thương hiệu địa phương

Do thị trường trong nước và thế giới luôn biến động, nhu cầu các loại khách hàng luôn thay đổi nên mỗi địa phương với phạm vi như nông thôn, thị xã, tỉnh, thành phố, vùng (gồm nhóm các tỉnh) hoặc quốc gia Việt Nam cần có chiến lược thương hiệu ở mức độ khác nhau, trong đó các chiến lược phải có tính hỗ trợ, liên kết sao cho mang lại kết quả hiệu quả nhất.

Lý do mỗi địa phương cần có chiến lược thương hiệu:

  • Xác định được những hạn chế yếu kém của địa phương trong phát triển thương hiệu;
  •  Thay đổi nhận thức của lãnh đạo và các đối tượng nội bộ về hình ảnh yếu kém của địa phương, qua đó có hành vi và hành động tích cực trong phát triển thương hiệu địa phương;
  • Tăng cường, nâng cao nhận thức về định vị của địa phương trong khu vực, cấp quốc gia và phạm vi toàn cầu;
  • Môi trường của mỗi địa phương luôn chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và bên trong, do đó chiến lược thương hiệu giúp địa phương định hướng cho hoạt động trong tương lai thông qua việc phân tích và dự báo môi trường phát triển thương hiệu;
  • Chiến lược thương hiệu giúp địa phương vừa linh hoạt vừa chủ động để thích ứng với những biến động của môi trường bên trong và bên ngoài, đồng thời đảm bảo cho địa phương hoạt động và phát triển theo đúng hướng.
  • Giúp địa phương phấn đấu thực hiện mục tiêu và nâng cao hình ảnh thương hiệu với công chúng;
  • Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực, phát huy sức mạnh của địa phương;
  • Chiến lược thương hiệu tạo ra lịch trình và quỹ đạo hoạt động cho địa phương liên kết được cộng đồng dân cư, ban ngành, lãnh đạo cùng hướng tới mục đích chung, cùng phát triển thương hiệu địa phương;
  • Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, chiến lược thương hiệu là công cụ cạnh tranh có hiệu quả của địa phương, tạo nên sự ảnh hưởng và phụ thuộc qua lại lẫn nhau giữa khách hàng nội bộ và khách hàng bên ngoài để cùng đóng góp phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như quốc gia.

Ph.D Bùi Văn Quang –Trích từ sách  Phát triển thương hiệu Quốc gia và địa phương

  MENU