Phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương


Phát triển thương hiệu quốc gia cũng như địa phương đã phổ biến toàn cầu và mang lại những thay đổi nhanh chóng cho nhiều khu vực trên thế giới. Tiểu vương quốc Dubai là vùng sa mạc, chỉ có cát và lạc đà nhưng 30 năm sau trở thành đất nước đắt đỏ nhất ở Trung Đông và nhanh chóng dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực. Có thể thấy, nhiều mô hình phát triển thương hiệu khác nhau đã thay đổi diện mạo kinh tế xã hội cho các nước trong khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Việt Nam mặc dù phát triển sau nhưng đã có những thành công về phát triển kinh tế xã hội so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều địa phương Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như:

  • Việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội;
  • Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng chất lượng cuộc sống giảm, kẹt xe kéo dài, ngập nước thường xuyên;
  • Các tầng lớp dân cư vùng nông thôn, vùng ven đô thị, vùng biển có nghề nghiệp không ổn định, thất nghiệp gia tăng;
  • Nhiều lao động ở các khu công nghiệp có thu nhập không đủ sống, thời gian làm việc kéo dài, môi trường làm việc không đảm bảo;
  • Các địa phương có tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh nhưng việc khai thác chưa hiệu quả, các dịch vụ du lịch hạn chế...

Những hạn chế xảy ra do Việt Nam chưa có chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia tổng thể để gắn kết các bộ ngành, chính quyền, các tổ chức và cộng đồng cùng tham gia. Lãnh đạo chưa nhận thức được vai trò phát triển thương hiệu địa phương, cơ chế chính sách về tuyển dụng và bổ nhiệm chưa phù hợp, năng lực đội ngũ công chức còn hạn chế.

Sách ‘Phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương – từ tầm nhìn chiến lược đến phát triển cộng đồng’ cung cấp cái nhìn tổng thể về phát triển và quản lý thương hiệu, kết hợp phân tích, đề xuất giải pháp và những ví dụ minh họa từ tầm nhìn chiến lược đến hoạt động cụ thể bao gồm 3 phần:

Phần I-  Phát triển môi trường thương hiệu quốc gia và địa phương

Phần II-  Quy trình thực hiện chiến lược thương hiệu quốc gia và địa phương

Phần III- Quản lý thương hiệu quốc gia và địa phương

Cuốn sách gồm 17 chương - là tài liệu hướng dẫn về các giải pháp ứng dụng thực tiễn cho lãnh đạo các bộ ngành, chính quyền các cấp trong việc định hướng, quản lý thương hiệu địa phương; các công chức trong việc tham gia thực hiện hỗ trợ phát triển thương hiệu; cán bộ công tác trong các viện, các trường đại học trong việc  hỗ trợ tư vấn, huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu; các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc hỗ trợ, liên kết và đổi mới; và cộng đồng dân cư hiểu rõ để xây dựng môi trường sống văn minh. Đồng thời, các chương được phân tích và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ đối với các cấp chính quyền, kèm theo các ví dụ, tình huống áp dụng thực tiễn từ đô thị đến nông thôn Việt Nam. Với mong muốn đóng góp vào việc phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam, thu hút nhà đầu tư và khách du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng,  Tác giả xin giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc.

Phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương gồm nhiều khía cạnh rộng và phức tạp. Đây là cuốn sách đầu tiên về phát triển thương hiệu quốc gia và các tỉnh thành Việt Nam nên sẽ không tránh khỏi những những thiếu sót. Tác giả trân trọng cảm ơn sự nhiệt tình ủng hộ và mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản.

                                                                                                                             PH.D  Bùi Văn Quang

 

 

Nhận định của chuyên gia

Trong thời đại ngày nay, thương hiệu không chỉ dựng lại ở phạm vi doanh nghiệp hay một sản phẩm nào đó, mà nó đã và đang được phát triển ngày càng mạnh mẽ từ phạm vi một địa phương cho đến một quốc gia.

Đặc biệt, các địa phương ngày nay phải tự thân vận động như một doanh nghiệp theo định hướng vào khách hàng và cạnh tranh trong thị trường nội địa và toàn cầu. Hơn nữa, mỗi cấp chính quyền phải xây dựng, phát triển địa phương mình thành một thương hiệu mạnh với khác biệt, hấp dẫn và nổi trội hơn hẵn những nơi khác.

Tài liệu “Phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương’ do tác giả Bùi Văn Quang biên soạn có thể được xem là một trong những tài liệu tham khảo khá tốt, có liên quan tư duy nêu trên.

Tài liệu được trình bày với 3 hướng tiếp cận theo trình tự:

(1) Phát triển môi trường thương hiệu quốc gia và địa phương;

(2) Quy trình thực hiện chiến lược thương hiệu quốc gia và địa phương;

(3) Quản lý thương hiệu quốc gia và địa phương.

Xin cám ơn Tác giả và trân trọng giới thiệu tài liệu này đến quý bạn đọc.

                                                           GS.TS. Hồ Đức Hùng

                                                                              Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM

  MENU